48 F
San Jose
Thursday, November 30, 2023
Trang chủTin TứcThế Giới10 tòa lầu với 10 bài thơ văn nổi tiếng

10 tòa lầu với 10 bài thơ văn nổi tiếng

Muốn xem ngàn dặm xa xôi; Hãy lên tầng nữa trông vời nước non.

1. Hoàng Hạc lâu: Thiên hạ tuyệt cảnh

Hoàng Hạc Lâu
Thôi Hiệu – thời nhà Đường

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 Dịch thơ (Tản Đà dịch)

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Hoàng Hạc lâu năm 1870
Hoàng Hạc lâu năm 1870 (Nguồn wikipedia)

“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ, thử địa không dư Hoàng Hạc lâu”, tuyệt tác ngàn năm đến nay vẫn luôn được mọi người thích thú ngâm tụng, ngay cả Thi Tiên Lý Bạch cũng khâm phục. Hơn nữa, còn có truyền thuyết Tiên Nhân cưỡi hạc bay về phương Tây, khiến Hoàng Hạc lâu càng nổi bật vị trí số một, luôn giữ được mỹ danh “Giang sơn đệ nhất lâu” và “Thiên hạ tuyệt cảnh”

Hoàng Hạc lâu ở đỉnh núi Xà Sơn, Vũ Xương, bờ Nam Trường Giang, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hà Bắc. Đây là ngôi lầu đã bị di dời và xây lại vì ĐCSTQ xây đập Tam Hiệp. Hoàng Hạc lâu cổ xưa ở bên bờ Trường Giang, được Tôn Quyền xây dựng để trấn thủ Giang Hạ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên đài của thành. Trên đài có cây cối xanh tươi tỏa bóng mát, nhìn ra xa, dòng Trường Giang khói sóng mênh mông mù mịt. Ngôi lầu trung tâm cao vòi vọi, khí thế hùng vĩ, tầng dưới có hành lang nối thông các lầu phụ. Hết thảy lầu chính, lầu phụ và hành lang đều được đan xen một cách hài hòa tinh tế.

2. Nhạc Dương lâu: Thiên hạ đệ nhất lâu

Đăng Nhạc Dương lâu
Đỗ Phủ – thời nhà Đường

Tích văn Động Đình thuỷ,
Kim thướng Nhạc Dương lâu.
Ngô Sở đông nam sách,
Càn khôn nhật dạ phù.

Thân bằng vô nhất tự,
Lão bệnh hữu cô chu.
Nhung mã quan san bắc,
Bằng hiên thế tứ lưu.

Dịch thơ (Tản Đà dịch)

Động Đình nghe tiếng từ xưa,
Mà đây lầu Nhạc bây giờ mới lên.
Đông, Nam, Ngô, Sở tách miền
Mênh mang trời đất ngày đêm bềnh bồng.

Bạn bè một chữ vẫn không,
Thân già ma bệnh chiếc bồng lẻ loi.
Bắc phương giặc giã rối bời,
Bên hiên đứng tựa, sụt sùi lệ sa.

Nhạc Dương Lâu
Nhạc Dương Lâu

Nhạc Dương lâu nằm ở trên tường thành cổng Tây của thành cổ thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Bắc, nhìn xuống hồ Động Đình, trông ra núi Quân Sơn. Nhạc Dương lâu vốn là Duyệt Quân lâu do Đại tướng Đông Ngô Lỗ Túc xây dựng. Từ xưa vốn đã nổi danh “Động Đình thiên hạ thủy, Nhạc Dương thiên hạ lâu”, Nhạc Dương lâu Hồ Nam cùng với Hoàng Hạc lâu Hồ Bắc và Đằng Vương các Giang Tây trở thành “Giang Nam tam đại danh lâu”.

Nhạc Dương lâu ký
Phạm Trọng Yêm – thời nhà Tống
(Trích đoạn, Trần Trọng San dịch)

Khi mùa xuân êm ái, sóng gió im lặng, chân trời mặt nước xanh biếc một màu, đàn sa âu lặn lội tự do, cỏ quanh bờ xanh tươi mơn mởn. Hay là khi một trời khói trắng, muôn dặm trăng trong, sáng nổi lớp vàng, bóng chìm hạt ngọc, tiếng hát của bọn thuyền chài xướng hoạ theo chiều gió, ai lên lầu này, tâm khoáng thần di, quên cả vinh nhục, uống rượu hóng gió mát, vui biết là chừng nào!

3. Đằng Vương các: Giang Nam đệ nhất lâu

Đằng Vương các
Vương Bột – thời nhà Đường

Đằng Vương cao các lâm giang chử,
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Hoạ đống triêu phi Nam phố vân,
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại,
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.

 Dịch thơ (Trần Trọng San dịch)

Bên sông đây gác Đằng Vương
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai?
Cột rồng Nam Phố mây bay
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.

In đầm, mây vẩn vơ trôi
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
Đằng Vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.

Đằng Vương các
Đằng Vương các

Đằng Vương các do Đằng Vương Lý Nguyên Anh, em trai của Đường Thái Tông Lý Thế Dân xây dựng năm 653. Đằng Vương các dựa vào thành nhìn ra sông, hùng vĩ độc đáo, nhờ có bài văn “Đằng Vương các tự” của Vương Bột, người đứng đầu “Sơ Đường tứ kiệt” mà nổi danh thiên hạ.

Văn lấy tên lầu các, lầu các được truyền rộng bởi văn chương, trải qua trên ngàn năm, bao cuộc bể dâu mà danh tiếng vẫn không phai nhạt. Trải quan 29 lần trùng tu xây dựng, Đằng Vương các vẫn giữ được phong cách cổ phác như xưa, tràn đầy hơi thở nhân văn.

4. Quán Tước lâu: Trung Nguyên đệ nhất lâu

Đăng Quán Tước lâu
Vương Chi Hoán – thời nhà Đường

Bạch nhật y sơn tận,
Hoàng Hà nhập hải lưu.
Dục cùng thiên lý mục,
Cánh thướng nhất tằng lâu.

Dịch thơ (Trần Trọng San dịch)

Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi
Muốn xem ngàn dặm xa xôi
Hãy lên tầng nữa trông vời nước non

Quán Tước lâu
Quán Tước lâu

Quán Tước lâu cũng có tên là Quán Thước lâu, vì thường có chim quán tước đậu nên có tên như vậy. Quán Tước lâu nằm ở bờ Đông Hoàng Hà, phía Tây thành cổ Bồ Châu, thành phố Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Quán Tước lâu được xây dựng vào thời Bắc Chu, 

Lưu Vũ Tích từng nói:

Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh;
Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh.

Còn những lâu đài lầu các, “Lầu không tại cao, có thơ thì hóa linh”. Nếu không có bài thơ này của Vương Chi Hoán, thì người nào biết đến Quán Tước lâu, bài thơ của họ Vương ra đời, có ai là không biết đến đến Quán Tước lâu.

5. Bồng Lai các: Bồng Lai Tiên cảnh

Bồng Lai các
Dụ Lương Năng – thời nhà Tống

Tuyệt tri Bồng Đảo dị trần hoàn
Nhược Thủy tương vọng vạn lý gian
Tranh tự ngọa long vân tế các
Bất lao khóa hải tức ngao sơn

Tạm dịch:

Bồng Đảo kỳ diệu trần gian
Trông dòng Nhược Thủy muôn ngàn dặm xa
Trong mây rồng ngủ tòa nhà
Ung dung vượt biển ấy là núi ngao

Bồng Lai các
Bồng Lai các (nguồn baidu)

Bồng Lai các ở thành phố Bồng Lai thuộc thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, được xây dựng vào năm 1061 triều Tống, được ca ngợi là “Bồng Lai Tiên cảnh” chốn nhân gian, nổi tiếng với truyền thuyết “Bát Tiên quá hải” và kỳ quan ảo ảnh lâu đài trên biển.

Bên dưới lầu các là biển, lầu cao vươn cao, mây mù bốn mùa bao phủ vây quanh. Trong truyền thuyết dân gian và những câu chuyện của Đạo giáo, Bồng Lai là nơi Thần Tiên trú ngụ, là Tiên cảnh chốn nhân gian.

6. Đại Quan lâu: Câu đối dài nhất thiên hạ

“Câu đối dài nhất thiên hạ” của Tôn Nhiễm Ông. 

Vế đối trên là:

Điền Trì năm trăm dặm, nhìn hết tầm mắt, thả áo vấn khăn, vui phơi phới, rộng lớn vô biên! Nhìn: Thần mã phi Đông, linh nghi vọt Tây, ngoằn ngoèo lượn Bắc, chất phác bày Nam, cao nhân nhã sĩ, chọn nơi thắng cảnh leo lên, đến Đảo Cua Doi Ốc, chải đầu búi tóc lẫn gió mây, rợp trời đất bèo lau, điểm xuyết chim xanh với ráng hồng, chớ phụ lòng, xung quanh hương lúa, vạn dặm cát tươi, sen tươi mùa hạ, liễu biếc mùa xuân.

Vế đối dưới là:

Chuyện cũ mấy ngàn năm, trút tận đáy lòng, nâng chén bầu không, than cuồn cuộn, anh hùng còn ai! Ngẫm: Lâu thuyền nhà Hán, cột thép triều Đường, búa ngọc triều Tống, túi da nhà Nguyên, công lao vĩ nghiệp, dốc tận tâm sức dời non, hết rèm châu cột vẽ, chẳng cuốn mây sớm với gió chiều, ngổn ngang tàn bia đá, bỏ giữa khói xanh và nắng chiếu, chỉ giành được, vài tiếng chuông kêu, nửa sông đèn cá, hai hàng nhạn thu, ngủ dưới sương trong.

Đại Quan lâu
Đại Quan lâu (nguồn baidu)

Đại Quan lâu ở phía Nam Cận Hoa Phố, thành phố Côn Minh, Vân Nam, là công trình kiến trúc kết cấu gỗ 3 tầng mái ngói lưu ly. Vì nó nhìn gia hồ Điền Trì, trông xa núi Tây Sơn, ngắm nhìn cảnh sắc hồ nước núi non mà có tên là Đại Quan lâu. Cặp câu đối dài 180 chữ kinh động thế nhân ra đời, khiến Đại Quan lâu bước vào hàng ngũ những Danh lâu.

7. Duyệt Giang lâu: Có bài ký mà không có lầu

Duyệt Giang lâu ký
Tống Liêm – thời nhà Tống

Đăng lãm chi khoảnh
Vạn tượng sâm liệt
Thiên tải chi bí
Nhất đán hiên lộ

Tạm dịch:

Leo cao ngắm cảnh
Vạn tượng phơi bày
Ngàn năm bí mật
Hiển lộ một ngày 

Duyệt Giang lâu
Duyệt Giang lâu (nguồn wikipedia)

Duyệt Giang lâu nằm trên đỉnh núi Sư Tử khu Cổ Lâu thành phố Nam Kinh, sừng sững bên bờ sông Dương Tử, nuốt mây uống sương, được ca tụng là “Giang Nam đệ nhất lâu”. Duyệt Giang lâu có nghĩa là ngắm thắng cảnh trên sông, lầu gồm ngói xanh ngọc bích, cột đỏ, mái cong vươn ra không trung, rèm đỏ phượng bay, cánh đỏ đa màu, mang dáng vẻ hoàng gia cổ điển rõ ràng. Duyệt Giang lâu mang phong cách kiến trúc hoàng gia điển hình đời nhà Minh. Tổng diện tích kiến trúc trên 5.000 m vuông

Mùa xuân năm 1374, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương xuống chiếu xây dựng một ngôi lầu các trên đỉnh núi Sư Tử phía Tây Bắc thành Nam Kinh, kinh đô nhà Minh, đích thân vua ngự bút viết “Duyệt Giang lâu ký”, sau đó lại lệnh cho các văn thần trong triều đình mỗi người viết một bài “Duyệt Giang lâu ký”.

Khi làm móng cho Duyệt Giang lâu, vừa mới bắt đầu xây dựng thì Chu Nguyên Chương lệnh dừng công trình này, và bị dừng xây dựng cho đến năm 2001 mới xây dựng hoàn thành. Do đó Duyệt Giang lâu còn được gọi là “Hữu ký vô lâu” (có bút ký mà không có lầu).

8. Thiên Tâm các: Có đức thuần nhất thì hợp lòng Trời

Thiên Tâm các diêu vọng
Du Nghi – thời nhà Minh

Lâu cao hồn tự đạp hư không
Tứ diện vân sơn bình chướng đồng
Chỉ điểm Đàm Châu hảo phong cảnh
Vạn gia yên vũ họa đồ trung

Tạm dịch:

Từ xa ngắm trông Thiên Tâm các

Lầu cao tựa ở trên không
Bốn phương mây núi bình phong khác gì
Đàm Châu cảnh đẹp khó bì
Muôn nhà mưa bụi khác chi họa đồ

Thiên Tâm các
Thiên Tâm các (nguồn baidu)

Thiên Tam các là biểu tượng thành cổ của Trường Sa, được xây dựng vào năm 1746 thời Càn Long. Lầu các lấy tên từ câu “Hàm hữu nhất đức, khắc hưởng Thiên tâm” (Có đức thuần nhất thì hợp lòng Trời) trong sách Thượng Thư.

Đây từng là nơi người xưa quan sát thiên tượng, tế lễ Thiên Thần. Lầu các cổ nằm ở đỉnh núi Phục Long, nơi có địa thế cao nhất của Trường Sa, được người xưa coi là bảo địa phong thủy mang lại cát tường. Mọi người đa phần đều muốn đến đây cầu phúc tiêu tai, hưng thịnh gia đạo.

9. Chung Cổ lâu: Thiên hạ đệ nhất cổ lâu

Tấm biển phía Bắc là “Thanh văn ư Thiên” (Âm thanh được Trời nghe), tương truyền do Học sỹ Lý Doãn Khoan viết.

Tấm biển phía Nam là “Văn võ thịnh địa” (Vùng đất văn võ thịnh vượng), tương truyền do Tuần phủ Thiểm Tây mô phỏng ngự bút của Càn Long viết.

Chung Cổ lâu Tây An
Chung Cổ lâu Tây An (nguồn wikipedia)

Chung Cổ lâu Tây An là tên chung cho Chung lâu (lầu chuông) và Cổ lâu (lầu trống) Tây An, nằm ở trung tâm thành phố, là công trình kiến trúc tiêu biểu của Tây An. Hai tòa kiến trúc đời Minh đối ứng nhau, vô cùng tráng lệ.

10. Thiên Nhất các: Thiên hạ đệ nhất tàng thư lâu

Thiên Nhất các nằm ở nội đô Ninh Ba, Chiết Giang, là tòa lầu tư nhân sưu tầm cất giữ thư tịch sớm nhất còn lại đến nay, cũng là 1 trong 3 thư viện tư nhân sớm nhất trên thế giới. Thiên Nhất các có diện tích 26.000 m vuông, do Binh bộ Thị lang Phạm Khâm nghỉ hưu quy ẩn rồi xây dựng vào giữa thời nhà Minh.

Thiên Nhất các
Thiên Nhất các

Cái tên Thiên Nhất các được lấy nghĩa từ câu “Thiên nhất sinh thủy” trong “Dịch kinh chú” của Đặng Huyền đời Hán. Bởi vì lửa là họa hoạn lớn nhất của tàng thư lâu, mà “Thiên nhất sinh thủy” thì nước khắc lửa, nên lấy tên là Thiên Nhất lâu. Công trình gồm 6 tòa nhà nối thông nhua bởi những hành lang dài. Phía trước có hồ “Thiên Nhất trì” dự trữ nước phòng chống hỏa hoạn.

Danh lâu hùng cứ ngàn thu
Mang theo văn hóa cổ xưa đậm nồng
Văn minh xưa đẹp vô cùng
Danh lâu lãm thưởng mới không tiếc hoài

Hoàng Mai
Theo Apollo

(NTDVN)

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Quảng cáo -spot_img

Bài mới