55.9 F
San Jose
Sunday, October 1, 2023
Trang chủĐời SốngTri ThứcAi đã phát minh ra việc đo thời gian?

Ai đã phát minh ra việc đo thời gian?

Đồng hồ là nền tảng cho mọi thứ mà chúng ta làm trong thời buổi bây giờ, từ việc đi học, đi làm đến đi ngủ.

Định giờ cũng là cấu trúc vô hình làm cho cuộc sống hiện đại có thể hoạt động, vì nó là nền tảng cho các máy tính tốc độ cao thực hiện các giao dịch tài chính và cả hệ thống định vị toàn cầu (GPS), vốn có thể xác định vị trí trên bề mặt Trái đất với độ chính xác chưa từng có dựa vào thời gian.

Nhưng con người có thể đã sống với nhiều phiên bản đồng hồ trong một thời gian rất dài. Người Ai Cập cổ đại phát minh ra đồng hồ nước và mặt trời đầu tiên cách đây hơn 3.500 năm.

Trước đó, con người có thể đã theo dõi thời gian với các thiết bị không được ghi nhận trong các tài liệu khảo cổ, chẳng hạn như một cái que thẳng đứng trong đất đóng vai trò như một đồng hồ mặt trời ban sơ, hoặc không dùng một thiết bị nào cả. Thật sự rất khó để biết được chính xác khi nào con người bắt đầu đo thời gian.

Chỉ đơn giản bằng cách quan sát vị trí của mặt trời mọc và mặt trời lặn mỗi ngày và bằng việc quan sát độ cao mặt trời trên bầu trời, một người có thể tự xây dựng được một lịch nguyên sơ. Những nỗ lực ban đầu của con người trong việc tìm hiểu dòng chảy thời gian không để lại bất kỳ dấu vết gì.

Đồng hồ mặt trời cổ nhất từng được ghi nhận đến từ Ai Cập và được làm vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên.

Nó bao gồm một cây gậy thẳng đứng đơn giản và một đế hình bán nguyệt được chia thành 12 phần như chiếc bánh.

Cái bóng của cây gậy cho một giờ gần đúng trong ngày. Các đồng hồ mặt trời đầu tiên khác đo thời gian bằng độ dài của bóng cây gậy khi mặt trời di chuyển trên bầu trời chứ không phải bằng chuyển động của bóng trên đế.

Đây là bước đầu tiên, và nếu hoàn thành bước này, loại đồng hồ này có thể được tinh chỉnh và cũng có thể thích ứng với các tháng khác nhau. Đồng hồ mặt trời phải tính đến cả thời gian trong năm và vĩ độ để thực sự chính xác.

Vào ban đêm, người cổ đại có thể theo dõi thời gian bằng chuyển động biểu kiến của các vì sao từ đông sang tây. Để đo các đơn vị thời gian cụ thể, họ sử dụng đồng hồ nước.

Đây là những bình có lỗ để nước chảy ra ở tốc độ không đổi hoặc được đổ đầy từ bình khác và có đánh dấu bên trong để biểu thị gia số thời gian. Những đồng hồ nước lâu đời nhất còn tồn tại được tìm thấy ở Ai Cập và Babylon, và những đồng hồ đầu tiên trong số này có niên đại vào khoảng 1500 năm trước Công nguyên.

Ở Trung Quốc, các ghi chép lịch sử khẳng định rằng đồng hồ nước được phát minh bởi Hoàng đế (người được xem là thủy tổ người Hán), một nhân vật nửa lịch sử, nửa thần thoại, được cho là đã sống giữa 2717 – 2599 trước Công nguyên.

Đồng hồ nước đầu tiên của Trung Quốc có lẽ là các thiết bị có nước chảy ra ngoài được gọi là louke.

Đơn vị “ke” chia ngày thành 100 phân đoạn bằng nhau từ nửa đêm hôm nay cho đến nửa đêm ngày mai. Theo thời gian, các nhà sáng chế làm cho các đồng hồ này phức tạp hơn bằng cách gắn cho chúng nhiều bình cấp nước hoặc điều chỉnh chúng để đảm bảo rằng tốc độ dòng nước ổn định.

Đồng hồ nước của người Trung Quốc.

Nước cuối cùng cũng đưa đến một số cách đo thời gian cực kỳ phức tạp: vào đầu những năm 700 sau Công nguyên, các nhà sư thời Đường đã phát triển một đồng hồ cơ chạy bằng bánh xe nước.

Vào năm 1194, một quan chức nhà Tống dựa vào thiết kế này đã phát triển một đồng hồ cơ cao 12 mét chạy bằng bánh xe nước, hoạt động giống như đồng hồ cơ sẽ được phát minh ở châu Âu 200 năm sau đó. Hệ thống đo thời gian của người Trung Hoa cổ đại cũng chia mỗi ngày 24 giờ thành các phân đoạn 2 giờ. Hệ thống này cũng được người Nhật Bản và Hàn Quốc cổ đại sử dụng.

Trong thời hiện đại, một giờ luôn có độ dài bằng nhau, nhưng người cổ đại trên toàn thế giới vận hành theo một hệ thống phức tạp hơn. Một số hệ thống tính giờ chia ban ngày thành 12 phân đoạn và ban đêm thành 12 phân đoạn, nhưng bởi vì ngày và đêm có độ dài khác nhau trong năm ngoại trừ ở xích đạo, những “giờ theo mùa” này có độ dài khác nhau giữa ngày và đêm và trong suốt cả năm.

Nếu một tôn giáo nào đó yêu cầu thời gian cầu nguyện gắn với mặt trời mọc hay mặt trời lặn, hoặc nếu người ta làm việc đồng áng, kiểu ngày và đêm quan trọng hơn so với một giờ phổ quát.

Giờ theo mùa cùng tồn tại với giờ phổ quát cho đến thế kỷ 15 ở châu Âu và cho đến tận thế kỷ 19 ở Nhật Bản. Chúng ta đã từng sống với một văn hóa thời gian tinh vi hơn, phong phú hơn và đa dạng hơn rất nhiều.

Tôn giáo là động lực chủ yếu của việc chuẩn hóa thời gian giữa các nền văn hóa. cả năm lẫn ngày. Ở Lưỡng Hà cổ đại, Anatolia (Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và Hi Lạp, người ta phát triển lịch mặt trăng để theo dõi các nghi lễ và ngày lễ, trong khi đó người Ai Cập tập trung nhiều hơn vào lịch mặt trời.

Các nền văn hóa Hồi giáo sử dụng đồng hồ nước để theo dõi việc cầu nguyện và ăn chay, trong khi đó những người theo đạo Cơ đốc đã phát triển đồng hồ cơ vào thế kỷ 14 ở châu Âu như là một cách để lên lịch cầu nguyện. Điểm mấu chốt là con người về bản chất là sinh vật quan tâm đến thời gian từ rất lâu, lâu hơn so với thời đại công nghiệp.

Sau khi người La Mã lắp đặt chiếc đồng hồ mặt trời đầu tiên vào năm 263 trước Công nguyên, một số người đã phản đối phương pháp đo thời gian mới này. Dù thế nào đi nữa thì chúng ta đang sống trong sự cai trị của cái đồng hồ.

Nguồn: TT

Tin liên quan
- Quảng cáo -spot_img

Bài mới

Sang Beauty Salon 669.238.7827

Pacific Housing Inc: HIRING

Cần Shushi Chef 702.497.6973