Các phương pháp điều trị béo phì hiện thường thường áp dụng kết hợp gồm ăn uống, thuốc, tập luyện và giải phẫu. Lành mạnh và hiệu quả lâu dài nhất vẫn là ăn uống và tập luyện.
Ăn uống: Để tránh tình trạng mỡ bị tích tụ và làm dư cân, người bị béo phì cần thay đổi cách thức ăn uống. Calorie dư thừa được cơ thể chuyển sang dạng chất béo và tích chúng, nên để giảm cân, hãy giảm ngay các thức ăn béo, mỡ. Cần tính toán cẩn thận lượng calorie các bữa ăn và món ăn hằng ngày thấp hơn so với mức tiêu thụ của cơ thể. Người béo phì cần lựa chọn thực phẩm ăn hằng ngày phù hợp cho mình:

-Không ăn thực phẩm đã qua chế biến, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường và chất béo cũng như các chất phụ gia độc hại.
-Ăn nhiều rau quả tươi, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung nhiều chất xơ, hỗ trợ quá trình giảm cân và đào thải mỡ thừa ra khỏi cơ thể. Ngoài ra chất xơ cũng khiến bạn cảm thấy no nhanh, không gây cảm giác thèm nhiều và sẽ ăn nhiều.
-Lựa chọn những món ăn ít calorie nhưng vẫn tạo cảm giác no bụng để quá trình giảm cân bớt khó khăn hơn.
Có rất nhiều cách ăn kiêng được chia sẻ, tuy nhiên lời khuyên của chuyên gia y tế là không nên ép bản thân vào phương pháp ăn kiêng quá hà khắc, nên từ từ áp dụng và cần bảo đảm cung cấp cho cơ thể đủ dinh dưỡng. Nếu ăn kiêng thì nên có sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Tập thể dục: Muốn đốt cháy năng lượng nhiều hơn, giảm cân nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe thì tập thể dục, tăng cường vận động là phương pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, đây là quá trình dài cần sự kiên trì, thông thường cách tập giảm béo cần áp dụng ít nhất hai tuần đến một tháng mới thấy được kết quả rõ ràng. Các chuyên gia khuyên người béo phì nên vận động vừa phải từ 60 phút đến 90 phút mỗi ngày để giảm cân, cũng như tăng cường sức khỏe. Khi đốt cháy 3,500 calorie, bạn mới giảm được 1 pound. Các cách vận động nhẹ nhàng bạn nên thử như: Đi bộ nhanh, chạy bộ, tập gym, đạp xe…
Ngoài ra, người béo phì có thể điều trị bằng thuốc. Có nhiều loại thuốc giúp tăng đốt cháy năng lượng, tiêu hao mỡ thừa và hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn đạt kết quả nhanh hơn. Tuy nhiên sử dụng thuốc giảm cân cũng cần kết hợp với việc ăn uống và luyện tập mới hiệu quả.
Giải phẫu cũng là phương pháp điều trị cho người béo phì, là cắt bỏ một phần hoặc thay đổi một phần cấu trúc dạ dày, ruột non sẽ giúp người béo phì không tiêu thụ nhiều thực phẩm như trước. Cách giảm cân này rất hiệu quả nhưng không loại trừ có thể gây một số biến chứng giải phẫu. Bệnh nhân thừa cân được đề nghị giải phẫu giảm cân khi chỉ số BMI cao hơn 30 và không giảm cân hiệu quả với những phương pháp khác. Khi có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người béo phì cũng cần giải phẫu để giảm cân cấp tốc.
Người béo phì nhiễm COVID-19 rất khó chữa
Mô mỡ là ổ chứa virus, tạo môi trường cho COVID-19 lây lan và gây phản ứng viêm trong cơ thể, nên béo phì là một trong những yếu tố khiến bệnh nhân COVID-19 dễ tử vong hơn.
Nhóm chuyên gia tại Trường Y Đại Học Stanford vừa phát hiện cách thức lây nhiễm mới của virus gây COVID-19 trong cơ thể, là lây từ niêm mạc phổi, đường hô hấp sang các tế bào, mô mỡ. Họ cho rằng đây có thể là cách giải thích cho các trường hợp bị béo phì rất khó chữa nếu nhiễm COVID-19, nghiên cứu được đăng trên bioRxiv.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu thực hiện khám nghiệm thi thể những bệnh nhân qua đời vì COVID-19. Họ phát hiện virus lây nhiễm sang hai loại tế bào được tìm thấy trong mô mỡ, gồm tế bào mỡ trưởng thành và tế bào miễn dịch. Ngoài việc phát hiện virus Corona ở phổi, tim, họ cũng tìm thấy virus gây bệnh có trong mô mỡ ở thượng tâm mạc (mặt ngoài cơ tim), nội tạng và dưới da, thận. Nhưng số lượng virus Corona được tìm thấy cao nhất ở phổi, kế đến là mô mỡ, rồi đến tim, thận.
Theo Tiến Sĩ Catherine Blish, Trường Y Đại Học Stanford, đại diện nhóm tác giả, tế bào mỡ bị xâm chiếm dẫn tới các phản ứng viêm rõ rệt. Hiện tượng này tương tự phản ứng miễn dịch được ghi nhận trong các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở New York công bố trên tạp chí y học New England cho thấy cứ năm bệnh nhân COVID-19 cần thở máy thì có ít nhất hai người bị béo phì. Một đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Pháp cũng ghi nhận có gần 90% bệnh nhân béo phì nhập viện khi nhiễm COVID-19 cần thở máy.
Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Mỹ về mối liên hệ giữa người béo phì và COVID-19 không phải là đầu tiên. Tháng Mười Một, 2020, nhóm chuyên gia tại Trường Y của Đại Học São Paulo, Brazil, đã đặt ra vấn đề này. Cho thấy mô mỡ dự trữ lượng lớn các tế bào miễn dịch. Những người béo phì dễ bị phản ứng bão cytokine khi nhiễm COVID-19. Điều này sẽ dẫn đến tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng, dễ dẫn đến tử vong.
Tương tự với trẻ em, những đứa trẻ bị béo phì nhiễm COVID-19 sẽ rất dễ phải nhập viện. Trên thế giới đã có báo cáo những ca nhiễm COVID-19 nặng ở trẻ bị béo phì phải nhập viện và điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Những bệnh nhi này nhập viện với tổn thương phổi, suy hô hấp ngày càng nặng hơn, và diễn tiến thêm hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19 ở trẻ em (MIS-C). (Bảo Khôi) [qd]
(nguoi-viet)