Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe không phải là linh đan diệu dược, mà là buông xuống những chuyện tầm phào, tránh xa những người không cùng tầng thứ, tu dưỡng một tâm thái điềm tĩnh, ung dung…
Có một người khi đang đi trên đường, anh ta thấy luôn có một bóng đen đi theo mình. Mỗi khi anh đi một bước, bóng đen lại theo sát một bước. Điều này làm cho anh ta vô cùng kinh hãi, muốn cắt đuôi cái bóng đó, nhưng càng bước nhanh, cái bóng lại càng theo sát.
Thế là, anh ta chỉ còn cách chạy thục mạng, thậm chí đi ngang qua nhà mình cũng không dám dừng lại. Cứ như vậy, anh ta một đường cứ luôn sợ hãi và chạy một cách điên cuồng cho đến khi sức cùng lực kiệt và chết vì quá mệt mỏi và sợ hãi.

Câu chuyện trên, nghe có vẻ hoang đường. Chết vì cái bóng của chính mình – rất nhiều người sẽ cho rằng không thể nào, nhưng thực tế thì hầu hết chúng ta đang sống như vậy. Có câu nói rất hay rằng, điều thật sự khiến người ta sợ hãi, không phải là sự vật trước mắt, mà là tưởng tượng trong tâm.
Bệnh do tâm sinh, họa do tâm khởi, tâm không tĩnh thì trăm thứ độc sinh sôi. Hầu hết những bất hạnh trong cuộc đời, kỳ thực đều là tự mình chiêu mời. Tâm thanh tĩnh thì sự việc thông suốt; tâm tĩnh lặng thì con người sẽ cảm thấy an yên.
Cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe không phải là linh đan diệu dược, mà là buông xuống những chuyện không vui, tu dưỡng một tâm thái điềm tĩnh, ung dung.
01. Buông xuống những chuyện không vui, tâm thần nhàn nhã
Trong Thiền tông có một câu chuyện khá nổi tiếng: Khi đó, có một cơn gió thổi qua, khiến cờ phướn lay động không ngừng. Một vị tăng nhân nói: “Là gió động”, một người khác lại nói: “Là phướn động”.
Thực ra, điều thực sự động không phải là gió, cũng không phải là phướn, mà là tâm đang động. Một đạo lý rất đơn giản, nhưng lại nói ra muôn trùng bản chất của thế giới này.
Người sống trên thế gian, sở dĩ có quá nhiều phiền não và đau khổ, là bởi tâm đang động. Nếu chúng ta cứ lẩn quẩn trong những chuyện vặt vãnh không như ý, dừng ở trong cái đúng sai của quá khứ, chúng ta sẽ chỉ bị quá khứ đè nặng. Thật ra, cuộc sống tốt hay xấu không phải do thế giới quyết định, mà là do chính bạn lựa chọn.
Họa sĩ nổi tiếng Phong Tử Khải, là một người rất thông thấu điều này: Lúc nhỏ, trong lúc đang vui chơi, vì không cẩn thận nên đầu của ông bị va đập, xước mất miếng da, cũng vì điều này đã để lại một vết sẹo trên trán ông. Ai nhìn thấy cũng tiếc nuối cho khuyết điểm này, thậm chí có người nói đây là “phá tướng”.

Nhưng Phong Tử Khải không hề phiền lòng vì điều này, mà còn vui vẻ đặt cho vết sẹo một cái tên hay là “Vết sẹo trong mơ”. Theo ông, dấu vết này đại biểu cho giấc mơ đẹp đẽ thuở nhỏ. Một đời của Phong Tử Khải như chính ông đã nói: “Thấy bao thăng trầm của thế gian, trong lòng vẫn bình an”.
Cay đắng trên đời đâu đâu cũng có, và nỗi buồn luôn chiếm trọn cuộc đời chúng ta. Thay vì hối hận không cam tâm, chi bằng hãy buông xuống từ đây. Đổ hết rác trong lòng, buông bỏ những người và những sự việc không như ý.
Hãy coi khổ đau là một loại tu hành, từ đó về sau chỉ sống trong niềm vui, tránh xa nỗi phiền muộn. Trong phần đời còn lại, buông bỏ những chuyện vớ vẩn, là trách nhiệm tốt nhất đối với nội tâm; đối xử với cuộc sống bằng nụ cười là sự đầu tư tốt nhất cho sức khỏe.
02, Giữ khoảng cách với người không cùng tầng thứ, tâm an khí thuận
Có người nói với một nhà khoa học chế tác tên lửa rằng: “Nhiên liệu tên lửa của ông không tốt, ông cần phải đốt củi, tất nhiên nếu đốt được than thì càng tốt!”.
Có lẽ, nhà khoa học kia dù có giải thích thêm nữa cũng vô ích. Duy chỉ có không tranh đấu, không quan tâm và tránh xa anh ta, chúng ta mới có thể tu dưỡng thân tâm, bảo dưỡng cơ thể của mình.
Trong “Kinh Thi” có nói: “Người hiểu rõ ta, hỏi lòng ta lo lắng điều chi; người không hiểu ta hỏi ta mong cầu điều gì”.
Người sống trên đời, mỗi người một tầng thứ, nếu đã không cùng tầng thứ với nhau, dù có nói nhiều cũng vô ích. Cảnh giới khác nhau, tốt nhất là giữ một khoảng cách sao cho phù hợp. Đừng lãng phí cuộc đời mình cho những người không xứng đáng.
Giáo sư Triệu Ngọc Bình, đã từng đưa ra câu hỏi như vậy trong chương trình “Trăm Nhà Đàm Luận”: Một con hạc được đưa vào chỗ đàn gà, con hạc thấy khó chịu hơn, hay là con gà thấy khó chịu hơn?
Câu trả lời thật sự khiến người khác rất ấn tượng. Ông nói rằng nếu một con hạc bị buộc phải sống chung với đàn gà, như thế thì sẽ có hai kết quả: hoặc nó sẽ bị đàn gà ép chết, hoặc nó sẽ bị đàn gà đồng hóa. Nhưng dù là trường hợp nào đi chăng nữa, đối với hạc mà nói đều là một thống khổ to lớn.
Người sống trên đời, suy cho cùng cũng phải hiểu rằng, kẻ làm mình đau khổ thì đừng để trong lòng. Phàn nàn và vướng bận sẽ chỉ làm khổ thân tâm, ngột ngạt chính mình. Nước càng khuấy sẽ chỉ càng đục, người càng muốn giải thích càng thêm phiền lòng.
Đối với những lời ác ý của bên ngoài, không để trong tâm mới là tấm bùa hộ mệnh tốt nhất. Chỉ những ai sống thông tỏ mới hiểu được rằng, nếu lòng không động thì gió cũng chẳng làm được gì.
Cuộc sống là của chính bạn, hãy tránh xa những người hư nát, không nghe nhiều, không nghĩ ngợi nhiều, nếu bạn không tức giận, thì không ai làm gì được bạn cả.
03. Cách dưỡng sinh tốt nhất: Buông xuống quá khứ, rời xa tranh chấp
Trong “Kinh Kim Cang” có nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Đại ý là nói, đừng rơi vào những hình tướng mà bạn thấy được, mà hãy để tâm bạn đạt đến trạng thái cái gì cũng không có”. Không bị thế giới bên ngoài lay động, tránh xa những tranh chấp vụn vặt, đó là cảnh giới cao của sự tu dưỡng.
Thời xưa, có một người đàn ông tên là Cao Hoan muốn thử năng lực ứng biến các con mình. Vì vậy, ông trao cho mỗi người một nắm đay rối, để các con gỡ chúng ra. Những người con đã cố gắng hết sức để gỡ mớ lộn xộn này, nhưng càng gỡ lại càng thêm rối. Nhưng con trai thứ hai là Cao Dương, lại điềm tĩnh cầm một con dao và nói: “Rối rắm quá thì tốt nhất là chặt đứt thôi!”. Anh ta giơ cao con dao chặt xuống một phát, mớ lộn xộn này đã đứt đoạn, rất nhanh chóng được sắp xếp lại. Đây chính là câu thành ngữ: “Dao sắc chặt đay rối”.
Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ rơi vào những tranh chấp và vướng mắc không có hồi kết. Với những chuyện không vui trong quá khứ này, nếu thật sự nghĩ không thông, thì hãy dùng dao sắc chặt bỏ nó đi.
Đời người chỉ trong nháy mắt, chúng ta nên sống sao cho thật thản nhiên, sống sao cho thật hạnh phúc, đó mới là cách sống thông minh nhất.
Cuộc sống là một trải nghiệm không ngừng sàng lọc, chỉ có dứt khoát buông bỏ một số người và việc, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng tốt tinh thần và tiến bước xa hơn.

Cổ nhân có nói: “Tâm tùy cảnh chuyển là phàm phu, cảnh tùy tâm chuyển là thánh hiền”. Một người gặp việc không vướng bận, gặp người không dính mắc, không nóng giận, không so đo, điềm tĩnh, ung dung, chính là cách nuôi dưỡng tâm hồn hiệu quả nhất.
Khi bạn hiểu được bí mật của hạnh phúc này, bạn mới tràn đầy chính khí, bách độc bất xâm. Đối xử tốt với tâm trạng của tự mình, chính là cách tốt nhất để quản lý sức khỏe của bạn.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch