SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giới hữu trách Sài Gòn đã cho phong tỏa các khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, Tân Phú Trung và quận Bình Tân, khi ghi nhận thêm sáu nhà máy với gần 3,000 công nhân trong chuỗi lây nhiễm mới nhất vừa được ghi nhận.
Báo Zing hôm 16 Tháng Sáu, dẫn lời ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế ở Sài Gòn, cho biết sở đang phối hợp với giới hữu trách các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình để xét nghiệm cho hơn 25,000 cán bộ, công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) sau khi tối 15 Tháng Sáu, nhà máy của công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn ở khu công nghiệp Tân Tạo, tiếp tục có hai ca nhiễm và bị chính quyền địa phương phong toả để lấy mẫu, truy vết.

Cũng nằm trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, qua khám sàng lọc, bệnh viện Đa Khoa Quốc Ánh cũng phát giác thêm một ca nhiễm bệnh là công nhân làm việc tại công ty Thực Phẩm Vạn Đức.
Ngành y tế đã truy vết, lấy mẫu hơn 100 F1, và 500 công nhân tại ký túc xá của hai công ty trên thì phát hiện thêm 11 mẫu gộp dương tính.
Ngoài ra, một nhà máy chuyên về may mặc ở khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), với 550 công nhân, cũng đã bị phong tỏa vào chiều 15 Tháng Sáu, sau khi phát hiện năm ca nhiễm SARS-CoV-2.
Hôm 13 Tháng Sáu, qua tầm soát, bệnh viện Xuyên Á phát giác một trường hợp dương tính là công nhân trong khu công nghiệp Tân Phú Trung. Sau đó ngành y tế tìm thấy thêm bốn ca dương tính và sáu mẫu gộp nhiễm bệnh COVID-19.
Đáng chú ý, ca bệnh ở xưởng may liên quan chuỗi lây nhiễm tại xưởng cơ khí ở huyện Hóc Môn đến nay đã ghi nhận 51 ca.
Ông Bỉnh cho biết một chuỗi lây nhiễm khác được phát giác qua tầm soát cộng đồng tại khu dân cư phường An Lạc, quận Bình Tân. Qua xét nghiệm hơn 1,500 công nhân lưu trú tại quận này đang làm việc cho công ty PouYuen thì phát hiện hai trường hợp dương tính.
Sài Gòn hiện có 1.6 triệu công nhân và lao động, trong đó riêng 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320,000 người. Môi trường làm việc ở nhà máy được đánh giá là “khép kín, đông người…” dịch khi xuất hiện dễ bùng phát, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và người lao động.
Cùng ngày, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch thành phố, đã có văn bản “khẩn” chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân các quận, huyện tổ chức khu cách ly tập trung với công suất tối thiểu 200 giường. Riêng thành phố Thủ Đức có công suất 600 giường. Giới hữu trách cũng yêu cầu cách ly tối đa hai người/phòng, phòng rộng có thể cách ly từ ba đến bốn người nhưng phải đảm bảo khoảng cách 2 mét và có vách ngăn.

Ngoài ra, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Củ Chi ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, trực thuộc Sở Y Tế cũng chính thức được Ủy Ban Nhân Dân thành phố ký quyết định thành lập hôm 14 Tháng Sáu, với quy mô 500 giường, 400 nhân viên chuyên môn y tế và người hỗ trợ.
Từ 0 giờ ngày 15 Tháng Sáu, Sài Gòn tiếp tục giãn cách thêm hai tuần để phòng dịch bệnh. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều người nghèo ở thành phố này đã bấm bụng nhịn ăn để cầm cự, trong khi giới nhà giàu cũng “khóc ròng” khi phải cầm cố nhà cửa, đất đai duy trì việc kinh doanh ngày càng nặng nợ. (Tr.N)
(nguoi-viet)