57.5 F
San Jose
Monday, June 5, 2023
Trang chủĐời SốngGiúp con phát triển trí tuệ và tinh thần: Hãy chơi với...

Giúp con phát triển trí tuệ và tinh thần: Hãy chơi với con!

Trẻ em có sự khác biệt về tâm lý theo từng độ tuổi mà nếu không để ý hoặc không hiểu, bạn có thể khiến mối quan hệ với con trở nên tệ hơn cũng như sự phát triển của con cũng bị ảnh hưởng.

Dưới đây là những kinh nghiệm dành cho các bậc phụ huynh trong việc chơi với con qua từng độ tuổi, giúp việc làm cha làm mẹ sẽ dễ dàng hơn khi nuôi nấng con nhỏ và quan trọng hơn là giúp con mình phát triển trí tuệ và tinh thần một cách tự nhiên và tốt nhất, theo trang mạng Brightside.

Từ 9 đến 12 tháng là giai đoạn mà trẻ đang học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. (Hình: Shirota Yuri/Unsplash)

0-3 tháng

Đặt con nằm sấp và lắc chuông hoặc lục lạc trước mặt con, ngang tầm mắt và không cần quá cao để khuyến khích con có cử động nhấc đầu và vai. Bất cứ khi nào trẻ nằm ngửa, hãy chỉ cho con một vật gì đó ở bên trái, rồi bên phải nhưng không quá xa để em bé có thể luyện tập động tác quay đầu từ trái sáng phải.

Vì sao phải làm điều này? Em bé nằm sấp từ 1 đến 5 phút mỗi ngày sẽ giúp phát triển sức mạnh cho đầu, cổ và phần trên cơ thể. Những cơ này rất quan trọng để con có thể nâng đầu và bò trong tương lai. Ở giai đoạn này, cha mẹ phải luôn quan sát con trong thời gian nằm sấp và chỉ đặt con nằm ngửa khi ngủ.

3-6 tháng

Ôm con và hướng con gần về phía cha mẹ để con có thể nhìn vào mắt cha mẹ và giao tiếp trực tiếp với con. Vào thời điểm này, tầm nhìn của con vẫn còn mờ, vì vậy con sẽ cố gắng tạo cảm giác về khuôn mặt của cha mẹ. Em bé cũng có thể sẽ cố gắng bắt chước âm thanh mà cha mẹ tạo ra. Khi con bập bẹ, bạn hãy lặp lại những từ tương tự.

Điều này sẽ giúp phát triển mối liên hệ giữa cha mẹ và con tốt hơn, cũng như giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp.

6-9 tháng

Cha mẹ có thể kết hợp các hoạt động khác nhau ở giai đoạn này. Ví dụ, chơi trò “ú òa” bằng cách giấu khuôn mặt của mình sau lòng bàn tay và chơi với con. Những trò chơi đơn giản như vậy không chỉ làm con vui cười mà còn tập cho trẻ sơ sinh học cách suy luận qua sự lặp đi lặp lại của trò chơi. Đây là một cách tuyệt vời để hình thành tư duy phân tích của con.

9-12 tháng

Ở giai đoạn này, bạn có thể chơi với con các trò chơi phức tạp hơn như trốn tìm chẳng hạn. Lấy một món đồ chơi gây tiếng ồn và giấu nó ở một nơi nào đó mà con có thể với tới. Sau đó, bạn khuyến khích bé tìm kiếm nó chỉ bằng cách lắng nghe âm thanh. Khi con tìm thấy, bạn nhớ hãy vỗ tay hoặc ăn mừng.

Từ 9 đến 12 tháng là giai đoạn mà trẻ đang học cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Trò chơi này sẽ rèn luyện kỹ năng theo dõi thính giác của trẻ và cha mẹ cũng sẽ khuyến khích sự khám phá của bé.

Mua cho con các đồ chơi có hình dạng và màu sắc khác nhau để gây hứng thú cho con, đồng thời giúp con phân biệt được sự khác nhau tốt hơn. (Hình: Markus Spiske/Unsplash)

12-15 tháng

Sau một năm, con bạn không còn là sơ sinh nữa. Bạn có thể chuyển qua trò chơi mới bằng cách gọi tên mọi đồ vật bạn cầm trên tay và cho con xem. Và nhớ là hãy thêm một tính từ để mô tả đồ chơi. Bạn mua cho con các đồ chơi có hình dạng và màu sắc khác nhau để bé có thể học cách phân biệt màu sắc và hình dạng khác nhau.

Lúc này, kỹ năng nói của trẻ đang bắt đầu phát triển nên các trò chơi trong nhà và ngoài trời sẽ giúp con bạn hiểu cách thức hoạt động của mọi thứ.

15-18 tháng

Bạn có thể lấy một chiếc giỏ và đặt các đồ vật khác nhau vào bên trong. Bạn nên chú ý chọn những thứ mà trẻ mới biết đi có thể nhặt một cách dễ dàng mà không gây tổn thương cho bản thân. Con sẽ muốn lấy các món đồ ra và đặt chúng trở lại. Bên cạnh đó, con cũng sẽ cố gắng tự mình trèo vào bên trong giỏ.

Trò chơi này sẽ giúp con phát triển các kỹ năng vận động thô và giữ thăng bằng, đồng thời giúp trí tưởng tượng cũng hoạt động tốt hơn.

18 tháng-2 tuổi

Yêu cầu trẻ mang cho cha mẹ các đồ vật khác nhau, chẳng hạn như cốc hoặc thìa. Bên cạnh đó, bạn cũng hãy dành thời gian nói chuyện với con và đặt câu hỏi về món đồ cụ thể đó. Các trò chơi như gọi tên các bộ phận cơ thể hay đồ vật sẽ tạo điều kiện cho con liên kết từ ngữ thành các câu hoàn chỉnh, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của con.

2-3 tuổi

Chơi trò chơi diễn hành với con, có thể đó là một cuộc diễn hành của động vật, xe hơi hoặc búp bê. Yêu cầu con định vị các đối tượng theo kích thước, màu sắc, số lượng chân hoặc môi trường sống. Trước khi chơi, bạn hãy nhớ hỏi con những gì con nghĩ con phải làm. Trong khi chơi, bạn cũng đặt câu hỏi về sự lựa chọn của con.

Các bài học về thuộc tính giữa những đối tượng khác nhau thông qua các câu hỏi bạn dành cho con khi chơi sẽ thúc đẩy kỹ năng toán học quan trọng cho con sau này.

Yêu cầu con giúp đỡ các công việc gia đình khác nhau trong nhà khi con bắt đầu bước qua sáu tuổi. (Hình: CDC/Unsplash)

3-5 tuổi

Một trò chơi đơn giản là đổ nước vào các vật chứa khác nhau và hỏi con xem cái nào có nhiều nước hơn. Thí nghiệm này sẽ giúp con trẻ mở rộng sự phát triển nhận thức của mình.

6-8 tuổi

Yêu cầu con giúp đỡ các công việc gia đình khác nhau như dọn bàn ăn, phụ cha mẹ gấp quần áo hay để đồ chơi lại đúng chỗ. Bạn nhớ là luôn phải khen con mỗi khi con hoàn thành công việc.

Đây là thói quen giúp xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin của con. Ý thức trách nhiệm của con phát triển ở giai đoạn này và con nên biết rằng có những hậu quả đối với hành vi của mình.

9-11 tuổi

Cho con bạn tham gia các công việc nhà phức tạp hơn, chẳng hạn như dọn dẹp và nấu nướng bên cạnh bạn. Cha mẹ có thể bắt đầu cho con một khoản phụ cấp nhỏ và giúp con quản lý nó, đồng thời cũng giải thích cho con giá trị của tiền như một phương tiện trao đổi.

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ hiểu tầm quan trọng của việc tiết kiệm và tiêu tiền một cách khôn ngoan.

12-14 tuổi

Đây là giai đoạn mà con bạn bước vào tuổi dậy thì nên tâm lý cũng sẽ thay đổi khác hơn. Ngay sau bữa tối, hãy dành 10-15 phút trò chuyện với con, nói về sở thích, về các thành tích trong thể thao, bạn bè hoặc con muốn ăn gì vào ngày hôm sau. Bạn cũng có thể dành thời gian cho một cái ôm ngủ ngon. Mỗi tuần, hãy chọn một ngày và đặt ra một hoạt động đặc biệt chỉ làm với con mình như đi ăn kem chẳng hạn.

Con sẽ cảm thấy rằng những suy nghĩ và mong muốn của con đang được lắng nghe và tôn trọng. Đồng thời bạn cũng sẽ được cập nhật về các hoạt động của con, tạo điều kiện cho cha mẹ gần gũi với con hơn. (KD) [nguoi-viet]

Tin liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Quảng cáo -spot_img

Bài mới