Chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt một bộ trưởng an ninh Cuba và một đơn vị đặc nhiệm của Bộ Nội vụ vì vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi đầu tháng này.
Quyết định này là bước đi cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm gây áp lực lên chính phủ Cộng sản Cuba, thuận theo lời kêu gọi của các nhà lập pháp Hoa Kỳ và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, đồng thời thực hiện lời tuyên bố mà ông Biden đưa ra sau khi cuộc biểu tình bùng nổ hôm 11 Tháng Bảy: “Hoa Kỳ đứng cùng người dân Cuba trong tiếng kèn báo hiệu tự do và giải thoát khỏi sự kìm kẹp thảm khốc của đại dịch cũng như của sự đàn áp và đói khổ mà họ phải chịu đựng dưới chế độ độc tài Cuba bao thập niên qua”.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với toàn bộ đơn vị an ninh của Bộ Nội vụ Cuba và tướng Alvaro Lopez Miera, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba, mô tả ông ta là thủ lĩnh của một tổ chức “có các thành viên đã tham gia vào các hành vi lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng.”
“Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, ông Biden nói khi tuyên bố lệnh trừng phạt, lên án “những vụ bắt giữ hàng loạt và những phiên tòa giả tạo”, và cho biết thêm: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm về sự đàn áp người dân Cuba.” Hàng nghìn người Cuba đã tổ chức các cuộc biểu tình cách đây một tuần để phản đối chính phủ để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản và mất điện. Họ cũng phản đối việc chính phủ xử lý đại dịch coronavirus và hạn chế quyền tự do dân sự. Hàng trăm nhà hoạt động đã bị giam giữ.
Ông Biden đã hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2020 sẽ đảo ngược một số chính sách Cuba thời ông Trump, nhưng hành động trừng phạt hôm thứ Năm 22 Tháng Bảy cho thấy ông không mong muốn quay trở lại quan hệ hòa giải với Cuba như dưới thời Tổng thống Obama.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez, trong một thông điệp trên Twitter, bác bỏ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ là “vô căn cứ và vu khống”. Chính phủ Cuba đã đổ lỗi cho “những kẻ phản cách mạng” do Mỹ tài trợ đã kích động các cuộc biểu tình nhằm khai thác khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.
***
Đồng thời với các biện pháp trừng phạt, chính quyền Hoa Kỳ vẫn đang tìm cách xoa dịu hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của người dân Cuba.
Tòa Bạch ốc cho biết hôm 20 Tháng Bảy rằng Tổng thống Biden sẽ thành lập một nhóm công tác để kiểm tra lượng kiều hối chuyển đến Cuba, với mục đích xác định làm thế nào người Mỹ gốc Cuba có thể gửi tiền cho các thân nhân và gia đình trên đảo mà đồng tiền không rơi vào tay của chính phủ Cuba. Chính phủ tiền nhiệm dưới quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt nhiều hạn chế chặt chẽ đối với kiều hối gửi về Cuba, lên tới hàng tỷ đô la hàng năm. Các quan chức Tòa Bạch ốc cho rằng vấn đề kiều hối rất phức tạp và “đòi hỏi một cách tiếp cận có cân nhắc và chu đáo với sự phối hợp của các chuyên gia.”
Hôm thứ Năm, ông Biden nhắc lại rằng chính quyền của ông đang tìm cách giúp người dân Cuba bình thường lấy lại quyền truy cập Internet sau khi Havana hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng nhắn tin và truyền thông xã hội bao gồm Facebook và WhatsApp. “Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong toàn khu vực, bao gồm cả Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, để gây áp lực lên chế độ Cuba”, ông Biden nói.
***
Các biện pháp trừng phạt nói trên được áp đặt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, đạo luật được ban hành để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, qua việc đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và cấm nhập cảnh Hoa Kỳ. Tuy nhiên các quan chức Hoa Kỳ thừa nhận rằng các quan chức chính phủ và lãnh đạo Cuba hiếm khi có các giao dịch tài chính với Hoa Kỳ và hiếm khi đi đến Hoa Kỳ cho nên các biện pháp trừng phạt có tác động thực tế rất hạn chế.
Tình trạng bất ổn ở Cuba dường như đã làm thay đổi nghị trình chính sách của Tổng thống Biden. Cho đến nay, Cuba vẫn chưa được coi là một mục hàng đầu trong chương trình nghị sự vì chính phủ vẫn đang bận rộn đối phó với sự phục hồi kinh tế và đại dịch coronavirus trong nước và những thách thức như Trung Quốc, Nga và Iran ở nước ngoài. Nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao nói với hãng tin Reuters rằng Cuba hiện là “ưu tiên hàng đầu”.
Các nhà phân tích cho rằng quan hệ Mỹ-Cuba khó có thể hòa dịu trong thời gian tới vì Tổng thống Biden muốn thể hiện sự cứng rắn với chính phủ cộng sản Cuba để thuyết phục các cử tri trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba chống cộng ở nam Florida – những người đã ủng hộ các chính sách chống Cuba của ông Trump và giúp ông này chiến thắng ở Florida trong cuộc bầu cử vừa qua.
“Ông Biden có thể phải thận trọng về chính sách Cuba trước cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ năm 2022”, hãng Reuters nhận định.
(SGN)