Ukraina đang là mặt trận nóng để Nga và Mỹ phô trương thanh thế. Đàm phán giữa hai ngoại trưởng, Blinken và Lavrov, tại Genève, Thụy Sĩ là « cơ hội cuối cùng » để xua tan viễn cảnh chiến tranh Ukraina hay vẫn là một cuộc đối thoại giữa « hai người điếc » phơi bày thêm rạn nứt trong khối Tây phương ? Washington và các đồng minh Tây Âu không cùng chung nhịp chèo trước những đe dọa của Matxcơva.
Vài giờ trước khi mở ra cuộc họp Nga- Mỹ tại Genève hôm 21/01/2022 để tháo gỡ bế tắc trên hồ sơ Ukraina, Kremin tỏ ra « cứng rắn hơn bao giờ hết » qua thông báo huy động tàu chiến và cả chục ngàn quân tham gia các cuộc tập trận trên biển từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, tập trận chung với Belarus, sát cạn với Ba Lan, một nước thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và Liên Hiệp Châu Âu. Matxcơva dứt khoát từ chối « hạ nhiệt tình hình » nếu không được NATO bảo đảm không kết nạp thêm các thành viên mới để hiện diện ngay sát cạnh biên giới của nước Nga.
Đối lại, phía Mỹ tăng viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev, liên tục báo động về nguy cơ « chiến tranh cận kề », về khả năng Nga xâm chiếm Ukraina. Về mặt ngoại giao, sau lãnh đạo tình báo CIA đến lượt ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vận động các đồng minh châu Âu « một lòng đoàn kết » trừng phạt nước Nga nếu Matxcơva can thiệp quân sự chiếm đóng Ukraina.
Trong hoàn cảnh đôi bên cùng « đằng đằng sát khí như vậy », liệu có hy vọng tránh được một cuộc xung đột hay không ? Theo giới quan sát câu trả lời là có.
Dmitry Sablin, phó chủ tịch ủy ban Quân vụ tại Hạ Viện Nga hôm 20/01/2022 biết chắc Mỹ « không sẵn sàng » dùng tới lá bài quân sự và ý thức được điều này Kremlin muốn khai thác « nhược điểm đó » của Mỹ đề mặc cả, đổi lấy an ninh cho nước Nga. Matxcơva biết rõ, là vừa thoát khỏi cuộc chiến trong 20 năm tại Afghanistan Washington không hề có ý định lại can thiệp quân sự trên một mặt trận khác. Điều này đã ít nhiều được chứng minh qua tuyên bố « hớ hênh » của chính tổng thống Joe Biden. Chủ nhân Nhà Trắng đã lỡ lời để ngỏ khả năng rằng nếu như Nga có lai vãng sang Ukraina một cách giới hạn thì cũng không nghiêm trọng lắm !
Đương nhiên Washington lập tức đính chính lại ngay sau tuyên bố này, nhưng đã quá trễ. Đó chỉ là một dấu hiệu mới cho thấy Mỹ không còn nhiệt tình bảo vệ Ukraina đồng thời những rạn nứt quá rõ rệt trong hàng ngũ phương Tây trước mối đe dọa xuất phát từ Matxcơva đối với an ninh châu Âu.
Ngành ngoại giao Hoa Kỳ từ nhiều tuần lễ qua liên tục vận động châu Âu « trừng phạt đích đáng » nước Nga nếu Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Tại Berlin hôm qua 20/01/2021 ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp các đồng nhiệm Anh, Đức và Pháp, nhưng kết quả có lẽ không được như Washington mong đợi. Hiện tại Luân Đôn qua lời ngoại trưởng Liz Truss cảnh cáo Nga « tránh sa lầy » tại Ukraina trong trường hợp dùng vũ lực uy hiếp Kiev. Chính phủ Đức im lặng khá lâu về khả năng dùng lá bài năng lượng – đình chỉ hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2- trong trường hợp xung đột vũ trang. Sự im lặng đó khiến Hoa Kỳ rất bực mình, nhưng cũng phải hiểu là tân chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz trong thế lưỡng nan, bởi nước Đức lệ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.
Với Pháp, Hoa Kỳ thất vọng không kém : trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu đánh dấu thời hạn 6 tháng Paris giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách « một khối Liên Âu tự chủ về an ninh », kiến tạo một « mô hình mới về an ninh » cho châu lục này. Đó là một tín hiệu mạnh Paris gửi đến toàn khối NATO mà thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp Berlin giữa bộ trưởng 4 nước, Anh, Pháp, Đức và Mỹ, đáp lời đồng nhiệm Hoa Kỳ kêu gọi đoàn kết trước nguy cơ Nga xâm chiếm Ukraina đe dọa an ninh châu Âu, ngoại trưởng Pháp, Jean Yves Le Drian lửng lơ tuyên bố : nếu phải trừng phạt Nga, những hậu quả sẽ vô cùng tai hại, nhưng « chuyện đó chúng ta sẽ thảo luận sau (…) trước mắt tôi hoàn toàn đồng ý với Antony Blinken là không thể quyết định về tương lai của châu Âu, về an ninh của châu Âu mà không có tiếng nói của châu Âu. Chúng ta cần nhắc lại và cần thực hiện điều đó ».
(RFI)