Mặc dù Black Friday đánh dấu một mùa mua sắm cuối năm như thường lệ, nhưng những bất ổn vẫn còn hiện hữu, theo bản tin AP hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một.
Thị trường việc làm Mỹ vẫn mạnh, chi tiêu người tiêu dùng ổn định và lạm phát đang chậm lại. Thế nhưng giá thực phẩm, giá thuê nhà, xăng dầu và các chi phí khác tăng cao ảnh hưởng rất nhiều đến ngân sách của người tiêu dùng. Do đó, nhiều người khá chần chừ khi mở ví, chỉ khi nào có đợt giảm giá lớn, hoặc họ sẽ mua một cách có chọn lọc hơn.

Người tiêu dùng cũng bắt đầu để dành tiền nhiều hơn, chuyển sang cách dịch vụ “mua trước, trả sau” như Afterpay, cho phép họ trả góp các mặt hàng, hoặc dùng thẻ tín dụng trong thời kỳ Ngân Hàng Trung Ương (Fed) tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
Những khó khăn về tài chính khiến nhiều người muốn mua những món hàng với giá hời hơn.
Bà Isela Dalencia, cư dân New Jersey, cho biết mình sẽ đợi đến Cyber Monday (ngày Thứ Hai sau lễ Tạ Ơn) hoặc đến tuần trước Giáng Sinh thì mới mua hàng nhằm tận dụng những đợt khuyến mãi. Việc này trái ngược với năm trước, khi bà bắt đầu mua sắm cho mùa lễ hội từ trước Black Friday. Ngoài ra năm nay bà chỉ dành $700 để mua quà, ít hơn một phần ba so với năm ngoái.
Bà Katie Leach, một nhân viên xã hội ở Manhattan, cũng dạo quanh Walmart nhưng cho biết bà sẽ chỉ bắt đầu mua sắm trong tuần đầu tiên của Tháng Mười Hai như thường lệ. Tuy nhiên lần này bà sẽ tập trung nhiều hơn vào các khuyến mãi, dùng thẻ tín dụng hoặc các dịch vụ “mua trước, trả sau” để bình ổn ngân sách khi các chi phí đều tăng cao.
Xu hướng mua sắm năm nay khác năm ngoái, khi năm ngoái người tiêu dùng phải mua hàng từ sớm vì lo sợ tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến hàng hóa cạn kiệt. Lúc đó các cửa hàng không cần giảm giá, thay vào đó họ lại chật vật trong vấn đề nhập hàng.
Một số thói quen từ đại dịch vẫn còn tồn tại, chẳng hạn một số nhà bán lẻ đóng cửa hàng trong lễ Tạ Ơn và đẩy mạnh giảm giá trên trang mạng để giảm bớt lượng khách trực tiếp đến cửa hàng.
Nhiều nhà bán lẻ lớn, bao gồm Walmart và Target, đều đóng cửa hàng vào lễ Tạ Ơn. Ngoài ra, thay vì để những món khuyến mãi lớn trong một thời gian giới hạn để thu hút đám đông khách hàng, thì họ chọn giảm giá trong suốt tháng, trong Black Friday hoặc cuối tuần của kỳ nghỉ lễ.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia dự kiến mức tăng trưởng doanh số bán hàng trong dịp lễ sẽ chậm lại, đạt khoảng 6% đến 8%, trong khi năm trước đạt mức tăng trưởng chóng mặt 13.5%. Tuy nhiên những số liệu này chưa được điều chỉnh theo lạm phát nên chi tiêu thực tế có thể giảm hơn nữa.
Adobe Analytics dự đoán doanh số trực tuyến sẽ tăng 2.5% từ 1 Tháng Mười Một đến 31 Tháng Mười Hai, giảm so với tốc độ 8.6% của năm ngoái.
Các nhà phân tích xem cuối tuần Black Friday (khoảng thời gian dài năm ngày bao gồm Cyber Monday) là một thước đo mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt trong năm nay. Khoảng thời gian hai tháng từ lễ Tạ Ơn đến Giáng Sinh chiếm đến 20% doanh thu hằng năm của ngành bán lẻ.
Mặc dù Black Friday có một vị trí vững chắc trong lòng người mua sắm ở Mỹ, thế nhưng vị thế đang ngày càng mất đi vì nhiều cửa hàng chịu mở cửa vào lễ Tạ Ơn, cũng như thói quen mua sắm trên Amazon và các nhà bán lẻ trực tuyến khác. Năm nay các cửa hàng bắt đầu bán sớm hơn năm ngoái để thu hút người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng như bà Lolita Cordero từ Brooklyn, New York, đều không có ý định mua sắm vào Black Friday. Bà cho biết mình mua từ sớm, chọn những món được giảm giá, xả kho, hoặc sử dụng phiếu mua hàng. Bà không muốn chen lấn trong mớ hỗn độn của Black Friday.
Tuy nhiên một số chuyên gia vẫn nhận định rằng Black Friday là ngày mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Nhiều người tiêu dùng cũng bắt đầu trở lại mua hàng ở cửa hàng vì dịch bệnh dần giảm bớt. (V.Giang) [qd]
(nguoi-viet)