Có một thống kê đáng buồn tại Sài Gòn. Nếu như cả năm 2020 chỉ có 597 nhân viên y tế nghỉ việc, đến năm 2021 có hơn 1,000 người nghỉ việc, thì chỉ trong Quý I/2022, khoảng 400 người nghỉ việc, bằng gần 70% so với cả năm 2020.
Các nguyên nhân được thống kê là do hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân… nhưng nhiều nhất là lương ngày càng bị “teo” lại, khi công việc lại “nở” ra.
Đến lúc này, nhiều bệnh viện nhà nước mới bàn đến chính sách giữ chân y bác sĩ lại, và thu hút nguồn nhân lực mới, thế nhưng tình trạng y bác sĩ xin nghỉ việc vẫn ồ ạt vẫn diễn ra.
Anh M., điều dưỡng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (bệnh viện đa khoa tuyến quận hạng một đầu tiên trên cả nước) chia sẻ với phóng viên Dân Trí, anh mới nộp đơn xin nghỉ việc và đã được cấp trên phê duyệt.
Cách đây hai năm, lương anh M. trên 10 triệu đồng (chừng $437) cộng thêm các khoản thưởng khác, thì cuộc sống anh tuy không sung túc nhưng vẫn thoải mái.
Khi dịch bệnh ập đến, công việc nhiều hơn, nhưng tiền lương lại “cắm đầu lao xuống đất”. Thêm nữa, vào cuối năm 2021, khi anh bị Covid-19 do lây nhiễm từ bệnh nhân, không những không được bệnh viện hỗ trợ, mà còn bị cắt lương trong tháng đó.

Chưa bao giờ anh thấy công việc này cay đắng như thế. Kể cả khi biết y bác sĩ bị nhiễm bệnh khi làm nhiệm vụ sẽ có “chế độ hỗ trợ”, thế nhưng anh làm đơn “kính thưa” cả mấy tháng trời cũng chẳng thấy đồng nào “chạy” vào tài khoản cả.
Bây giờ, mỗi tháng anh M. chỉ còn được lãnh tổng cộng hơn 5 triệu đồng ($218). Anh cay đắng nói rằng có người còn lãnh còn ít hơn anh. Tháng nào mà bị “dính” Covid-19 thì còn bị trừ thê thảm nữa.
Không khí làm việc tại khoa Truyền máu – Huyết học nói chung là không còn sức sống, vì mọi người đều xuống tinh thần, làm việc với tâm thế mệt mỏi. Hệ quả tất yếu của việc thu nhập “lao dốc” là việc nhân sự tìm đường tháo chạy. Từ chỗ có hơn 40 y bác sĩ, giờ đây khoa chỉ còn 18 người.
Lãnh đạo Bệnh viện Thành phố Thủ Đức dù biết chuyện nhưng họ cũng không thể ngăn cản mà chỉ “động viên nhân sự ở lại”. Nhưng có lẽ hiện, không ai còn tin vào lời hứa của lãnh đạo nhà nước nữa, và không ai có thể “sống và làm việc theo gương” ai đó mà để gia đình chịu đói được, nên nếu y bác sĩ nào muốn nghỉ hoặc chuyển công tác qua bệnh viện tư nhân thì bệnh viện cũng giải quyết.

Tại họp báo chiều ngày 4 Tháng Tư, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng “qua đợt dịch Covid-19, nguồn thu nhập của các cơ sở y tế đều bị sụt giảm nên việc nhân viên y tế tại các cơ sở công lập xin nghỉ việc cũng là điều khó tránh khỏi”.
Bà Quỳnh Như cũng cho biết thêm, thành phố sẽ có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ để níu chân nhân viên y tế ở lại. (Tổng hợp)
(SGN)