Sinh viên khắp nước Mỹ đang tìm nhà ở cho năm học 2022-2023, tuy nhiên họ đang ở thế khó vì không được ở tại các ký túc xá trong khuôn viên trường, mà phải ở trong các nhà nghỉ hoặc xe hơi vì giá thuê nhà tăng cao và tình trạng thiếu nhà ở, theo AP.
Đối với một số trường đại học, khủng hoảng nhà ở là kết quả từ nhu cầu nơi ở ngày càng tăng của những sinh viên bị mắc kẹt ở nhà trong suốt đại dịch. Ở một số nơi khác, bao gồm California, việc thiếu nhà ở là do mâu thuẫn giữa trường đại học và những người chủ nhà hàng xóm. Họ không muốn xây nhà mới cho sinh viên vì cho rằng như vậy rất ồn ào và gây tắc nghẽn xe cộ.

Hồi Tháng Ba, đại học University of California, Berkeley (UC Berkeley) cho biết sẽ giới hạn sinh viên ghi danh, sau khi những người hàng xóm đâm đơn kiện vì sự mở rộng của trường. Các nhà lập pháp của tiểu bang phải nhanh chóng sửa đổi luật để trường có thể thu nhận nhiều sinh viên hơn vào mùa Thu 2022. Tuy nhiên luật cũng không giúp xây thêm nhà mới để cho sinh viên ở.
Trên toàn quốc, có 43% sinh viên chương trình bốn năm từng gặp phải tình trạng khó khăn nơi ở trong năm 2020, tăng hơn so với con số 35% của năm 2019. Họ cho biết mình không thể trả tiền điện nước, tiền thuê nhà, sống trong các căn chung cư quá đông đúc hoặc sống chung với người khác vì điều kiện tài chánh khó khăn.
Đây là hệ quả từ việc giá thuê tăng cao, cộng đồng không thể xây đủ nhà ở cho sinh viên, cũng như chi phí học đại học tăng cao.
Đối với một số sinh viên, thiếu nhà ở đồng nghĩa với việc không thể học đại học. Những người khác thì phải gánh khoản nợ lớn hoặc sống bấp bênh đến mức không được tận hưởng các niềm vui khi đi học bậc đại học.
Sinh viên Jonathan Dena ở vùng Sacramento tưởng như phải từ chối UC Berkeley vì không có nhà ở, cho dù đó là ước mơ của mình. Anh đã tìm thấy một căn chung cư nhỏ bé ở Rochdale Apartment với giá dưới $1,300 một tháng. Tuy nhiên có thể anh phải chuyển đi vì nơi này phải đóng cửa để sửa chữa tổn hại do địa chấn.
Anh muốn sống gần trường. Tuy nhiên giá thuê nhà gần trường rất cao. Danh sách công bố trực tuyến cho thấy căn nhà một phòng ngủ cho một người có giá $3,700. Còn căn một phòng ngủ 22 mét vuông và một nhà tắm dùng chung hai người có giá gần $1,700 một người mỗi tháng.
Ông Chris Salviati, kinh tế gia của Apartment List, cho biết trên toàn quốc giá thuê nhà tăng 17% kể từ Tháng Ba, 2020. Một số nơi có các trường đại học danh tiếng mức tăng còn cao hơn. Chẳng hạn ở Chapel Hill, North Carolina, giá thuê nhà tăng 24%, còn ở Tempe, Arizona, là 31%. Trong một số trường hợp, việc tăng giá thuê còn mạnh hơn vì thiếu các ký túc xá trong khuôn viên trường.

Mùa Thu năm ngoái, nhu cầu ở ký túc xá cao đến nỗi đại học University of Tampa phải đề nghị hoãn học phí cho sinh viên năm thứ nhất nếu họ lùi lịch lại đến mùa Thu 2022. Giá thuê nhà ở Florida tăng vọt gần 30% so với một năm trước.
Trong khi đó, giá thuê ở Knoxville tăng 36% kể từ Tháng Ba, 2022, và có nguy cơ tăng thêm sau khi đại học University of Tennessee thông báo hình thức xổ số chọn ra sinh viên được vào ở ký túc xá.
Ngay cả những trường đại học cộng đồng hai năm, những nơi vốn dĩ không cung cấp ký túc xá, cũng đang xem xét lại nhu cầu của sinh viên vì giá thuê nhà tăng cao.
Tháng Mười năm ngoái, trường Long Beach City College khởi động chương trình thí điểm cung cấp nơi ở trong nhà để xe khép kín cho 15 sinh viên không có nhà ở. Họ ngủ trên xe hơi, có chỗ tắm rửa, sạc điện, Internet, đồng thời có người tư vấn giúp họ tìm nhà ở lâu dài.
Ông Uduak-Joe Ntuk, chủ tịch hội đồng trường, tỏ vẻ do dự khi được hỏi liệu chương trình này có được tiến hành tiếp hay không. Theo ông, năm học sắp tới sẽ có nhiều sinh viên không có nhà ở. Vậy nên nếu trường không làm gì là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, California, nơi vốn dĩ luôn tự hào về hệ thống giáo dục đại học mạnh mẽ, cũng phải vật lộn với vấn đề nhà ở tại các trường hệ bốn năm.
Cô Jennifer Lopez, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba của UC Berkeley, cho biết hiện tại cô đang phải sống trong một căn chung cư một phòng ngủ cùng với bốn sinh viên khác. Một người trong số đó phải ngủ ở phòng ăn. Giá thuê tổng cộng là gần $3,700 mỗi tháng, con số cao đến phát sợ, cho dù ở thành phố nào trên nước Mỹ. Tuy nhiên cô vẫn hài lòng về nơi ở này. Bởi vì theo cô, nếu không có chỗ này, cô phải sống ở tầng hầm hoặc những căn nhà bẩn thỉu, tồi tàn.
Trung Tâm Nhu Cầu Cơ Bản của UC Berkeley từng tiến hành một cuộc khảo sát và phát giác ra có 1/4 sinh viên chưa tốt nghiệp cho biết họ “thiếu chỗ ngủ ban đêm an toàn và cố định” kể từ hồi Tháng Mười.
Ông Ruben Canedo, chủ tịch Hội Đồng Nhu Cầu Cơ Bản của UC Berkeley, cho biết đây là một tỉ lệ rất lớn. Thế hệ sinh viên này phải chịu chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất, trong khi hỗ trợ tài chính lại ít nhất.
Anh Terrell Thompson, sinh viên năm thứ hai tại UC Berkeley, dành năm nhất học trực tuyến ở nhà. Đến năm thứ hai khi học tại trường, anh mới phát giác ra ngân sách $750 thuê nhà là không đủ. Ở ký túc xá cũng không khả thi vì ký túc xá thường ưu tiên cho sinh viên năm thứ nhất hơn.
Khi bắt đầu học lại vào cuối Tháng Tám, anh phải lái 130 km từ nhà của mình ở Sacramento đến Berkeley và trở về lúc nửa đêm để tránh kẹt xe. Tuy nhiên di chuyển như vậy rất mệt mỏi nên anh quyết định ngủ trong xe của mình. Tình trạng ngủ trong xe kéo dài khoảng hai tuần, sau đó một chủ nhà tốt bụng cho anh thuê một căn phòng nhỏ cách trường vài bước với giá $1,000 mỗi tháng. Anh hy vọng có thể ở tại nơi này đến khi tốt nghiệp.
Trong khi đó cô Sanaa Sodhi, sinh viên năm thứ nhất ở UC Berkeley, cho biết rất nhiều sinh viên không hề biết tình hình nhà ở khi chọn trường UC Berkeley. Do đó nhà trường cần làm nhiều hơn để hỗ trợ sinh viên tìm kiếm nơi ở.
Hiện tại cô sắp dọn ra khỏi ký túc xá và đến ở tại một căn hộ hai phòng ngủ cùng ba người bạn của mình với giá $3,000. “Người cho thuê ở thế thượng phong, vì họ biết rằng dù có tăng giá thế nào, chúng tôi cũng phải ở. Nếu không, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc ngủ trong xe hơi,” cô chia sẻ. (V.Giang) [qd]
(nguoi-viet)