“Hôm nay chúng tôi có phát thực phẩm miễn phí trong khu Grand Century Mall, cả nhà ghé qua ‘pick-up,’ không cần ghi danh nha.” Thứ Hai tuần nào cô Tina Tiền cũng “rao” trên trang Facebook của mình như thế.
Và cứ như vậy, cô làm công việc giúp đỡ cộng đồng từ hơn một năm nay, như một “cô tiên” giữa đời thường.
Cô Tina Tiền là chủ nhà hàng Rong Biển ở Grand Century Mall, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt ở thành phố San Jose. “Bình thường hàng năm tôi đều làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo,” cô tâm sự. “Nhưng hơn năm nay, trong cái xui xẻo vì đại dịch COVID-19, tôi lại có thêm niềm an ủi, niềm vui, đó là giúp đỡ được rất nhiều người khốn khó hơn mình.”
“Cô tiên giữa đời thường”
Cô Tina nhớ lại những ngày đầu hết sức kinh hoàng, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cả xã hội bị “đóng cửa.” Cô kể: “Tôi nhớ ngày đầu tiên bị đóng cửa là ngày 19 Tháng Ba, 2020. Hôm đó ra đường, tôi thấy có nhiều người vô gia cư lắm. Họ bị đói vì không ai ra đường để cho họ thực phẩm, hàng quán thì đóng cửa hết.”
Ở trong nhà bức bách không chịu nổi, ba ngày sau, cô Tina ra quán. Nhà hàng phải đóng cửa, mà thấy đồ ăn vẫn còn, nên cô liền “huy động” các nhân viên tới, nấu thức ăn cho người vô gia cư. “Hôm ấy, những người vô gia cư đói tới cỡ cầm hộp cơm được tặng không kịp lấy muỗng mà lấy tay bốc ăn luôn, nhìn mà muốn khóc. Hết sức đau lòng,” cô Tina nói.
Tina kể, từ khi mở nhà hàng, cô luôn khấn nguyện, nếu trong việc kinh doanh mọi sự tốt đẹp, cô sẽ làm thiện nguyện, cống hiến cho những người cần sự giúp đỡ. Đúng như tâm nguyện, hàng năm cô đều nấu ăn miễn phí cho người vô gia cư. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ người vô gia cư, mà cô phát hiện ra rằng trong cộng đồng còn có rất nhiều người cần được giúp đỡ.

“Mấy ngày đầu dịch, một mình tôi lái xe đem hơn 30 phần ăn đến cho những bác lớn tuổi. Đó là những bác không người thân thích, sống một mình, không đi chợ được,” Tina kể. “Nhiều hoàn cảnh khi biết được, thấy thương vô cùng!” Tiếng lành đồn xa, cộng với “lời rao” trên trang Facebook cá nhân của mình, rằng “ai cần thì gọi, cho số nhà, Tina sẽ đem thức ăn đến tận nơi”, mỗi ngày cô làm không hết việc.
Trong khoảng thời gian đầu dịch, khan hiếm giấy vệ sinh, nước mắm, gạo,… Tina một mặt đi xin, một mặt bỏ tiền túi ra, rồi mua thực phẩm khô, rau củ… cho vào thùng sẵn để gia đình nào thiếu thốn thì ghé lấy. Biết các bác lớn tuổi và đa số người Việt chỉ thích ăn món Việt, nên cô thường nấu cháo gà, cơm chiên, thịt kho hột vịt,… mang đến cho họ
Tính từ đầu dịch bệnh đến nay, “cô tiên” Tina và nhà hàng Rong Biển cung cấp được hơn 60,000 phần ăn cho cộng đồng.
Không chỉ lo cho cộng đồng người Việt, cô còn giúp cho hơn 100 gia đình người Mexico “đói cơm thiếu áo,” con cái nheo nhóc. Cô từng phải xin từng bình sữa đem tới cho những đứa trẻ còn khóc oe oe mà cha mẹ chúng thì thất nghiệp, ốm đau.
Người làm từ thiện không mệt mỏi, không ngưng nghỉ
Thời gian nhà hàng bị đóng cửa, nhân viên thất nghiệp, nhưng theo cô Tina, mọi người đều sẵn lòng, bỏ công bỏ sức nấu đồ ăn cho người khó khăn, mà không lấy một đồng lương.
“Nhà hàng bị đóng cửa, sau đó chỉ cho ‘to-go’ nên bán rất chậm, nhưng vì có sẵn rau cải, tôi đi xin nguyên liệu ở các chợ, những người bỏ mối thức ăn, và các hội nhóm từ thiện khác, đem về nấu,” cô Tina nói. “Nhân viên ở nhà hàng vừa có tấm lòng vàng, vừa cực kỳ giỏi. Một ngày nấu 500-1,000 phần ăn là không có vấn đề gì. Không có họ, tôi chẳng làm gì được,” cô Tina kể. “Trời thương, suốt mùa dịch bệnh, tôi khỏe, nhân viên của tôi cũng mạnh khỏe, không ai bị dính bệnh.”

Đúng ngày Mother’s Day 2020, cô Tina dự định nấu 12,000 phần ăn tặng mọi người, nhưng rồi được nhiều nhà hàng khác ủng hộ cùng tham gia, nên hôm đó, tại nhà hàng Rong Biển, có hơn 20,000 phần ăn miễn phí được cung cấp. “Làm được như vậy, tôi vui lắm!” cô Tina nói.
Nói về nghĩa cử của cô Tina, anh Trung Lâm, chuyên gia bất động sản và cũng là người tham gia nhiều hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt ở San Jose, nói: “Chị Tina dù rất bận rộn, nhưng luôn năng nổ trong hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng.”
“Điểm đặc biệt là chị làm từ thiện rất đều đặn, không mệt mỏi, không ngưng nghỉ. Nếu những nhóm khác chỉ giúp đỡ cộng đồng trong mùa dịch, thì chị Tina vẫn tiếp tục công việc này cho đến tận bây giờ.”

Cuộc đời vô thường, chỉ mong có sức khỏe để giúp người
“Nếu nấu nhiều như thế, nhà hàng lại bị đóng cửa, lấy chi phí đâu mà cô làm hoài được?” Chúng tôi thắc mắc. “Đúng vậy. Thật sự là ‘lực bất tòng tâm,’ nên tôi phải liên lạc với hai hội Hunger at Home và Light Dream Foundation để họ cung cấp thực phẩm cho mình, rồi đem phân phát cho bà con,” cô Tina nói.
Cả hai tổ chức này đều phi lợi nhuận, và cô Tina cũng từng tham gia hai hội này trước đây. Từ Tháng Mười Một, 2020, khi đã có nguồn thực phẩm do hai tổ chức trên cung cấp, mỗi Thứ Hai hàng tuần, cô Tina lại đứng ra “kêu gọi” bà con đến nhận miễn phí.
Những ai có nhu cầu, chỉ cần lái xe đến địa điểm được thông báo trước, thường là bên hông nhà hàng, mở cốp xe để nhân viên đặt thùng thực phẩm vào. Thông thường, trong mỗi thùng thực phẩm có bánh mì, trứng, sữa, thịt gà, rau củ quả, trái cây, xúc xích,… thỉnh thoảng còn có kim chi, hoặc thức ăn nấu sẵn. Người nhận thực phẩm có thể là cho chính họ, cho gia đình cha mẹ anh chị em, hay cho hàng xóm.

Ông Ewell Sterner, tổng giám đốc Hunger at Home, cho biết: “Chúng tôi làm việc với Tina từ hơn hai năm nay. Chúng tôi có cùng chí hướng, mục tiêu, là giúp đỡ mọi người bất kể họ là ai, không cần kiểm tra ID, không cần biết họ kiếm được bao nhiêu tiền. Nếu họ cần thức ăn, chúng tôi sẵn sàng giúp.” Theo ông Sterner, Hunger at Home đã quyên góp được hơn 5 triệu bữa ăn cho người có nhu cầu tại Santa Clara County, trong đó phần lớn là ở thành phố San Jose, nơi có rất đông người Việt sinh sống.
Riêng về Tina, ông Sterner cho biết: “Tôi rất quý Tina. Tôi chưa từng gặp người phụ nữ nào có tấm lòng và trái tim nhân hậu như thế!”
Về phần mình, “cô tiên giữa đời thường” thổ lộ một cách thật lòng: “May mắn cho tôi là có các hội từ thiện khác của Mỹ cung cấp thực phẩm, và may mắn là nhà hàng có một thời gian ngưng hoạt động, nên tôi mới có cơ hội giúp đỡ bà con, chứ nếu việc kinh doanh trôi chảy bình thường, chắc tôi không có thời giờ mà làm từ thiện. Tuy cực, nhưng mà vui lắm!”
“Tôi nghĩ, chết đâu có đem theo được gì, nên thấy làm được gì thì tôi làm thôi,” cô tâm sự. “Đại dịch vừa qua, tôi thấy cuộc đời vô thường quá. Giờ chỉ mong có được sức khỏe để giúp người.”
(SGN)