Liên quan đến vụ án test kit của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, chiều 20 tháng Giêng, Tổng cục Hải quan đã có báo cáo về hoạt động nhập khẩu của công ty này.
Theo dữ liệu lưu trữ, trong 5 năm từ 2017 đến 2021, mặt hàng nhập khẩu chính của công ty này là bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, chỉ tính từ tháng Chín đến tháng mười Hai năm 2021, Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2, chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold). Giá khai báo mặt hàng này là $0.955/test (khoảng 21,560 đồng/test), với tổng trị giá là 64.68 tỷ đồng.
Mặt hàng nhiều thứ hai là nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm trong 5 năm 2017-2021.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu của trong 5 năm 2017-2021 là 286 tỷ đồng.

Về doanh thu, trước khi bị khởi tố hình sự vì “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt kinh doanh không mấy khả quan và có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, trong năm đầu được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 và cung ứng ra thị trường (năm 2020), doanh thu của công ty mẹ đã tăng 6.4 lần, đạt 406,7 tỷ đồng.
Đó chưa phải là điểm dừng của Việt Á. Nhờ Bộ Y tế và Bộ KH-CN, Học viện Quân y đánh bóng tên tuổi, và nhận được hợp đồng gần như cung ứng độc quyền sản phẩm xét nghiệm Covid-19 cho các Trung tâm CDC cả nước từ tháng Tư năm 2020, doanh thu công ty trong giai đoạn này đã đạt gần 4,000 tỉ đồng. Phan Quốc Việt xác nhận với cơ quan điều tra là phải chi ít nhất 20% tiền hoa hồng cho các nơi mua, chưa kể tiền “lại quả” cho lãnh đạo các cấp có tẩm quyền.
Hiện nay, vụ án được đưa về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giám sát. Theo bộ Công an, vụ án đang được điều tra mở rộng, và sẽ có rất nhiều lãnh đạo bệnh viện, ban ngành liên quan đến vụ hối lộ này. “Sẽ không có vùng cấm trong vụ án này”, là lời tuyên bố chắc chắn của Bộ Công an.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương, vụ án này cho thấy ở đây không còn là tham nhũng đơn lẻ, mà có hiện tượng nhiều lực lượng, nhiều nhóm lợi ích bắt tay với nhau. Do đó, dư luận cho rằng sẽ không loại trừ “nhóm lợi ích” cũng có mặt trong thành phần Ban chỉ đạo này, và như thế, khi vụ án được Ban Chỉ đạo giám sát, sẽ tránh được một vài “vùng cấm” nào đó của đảng, bị mở bất ngờ. (Tổng hợp)
(SGN)